Nếu trong Marketing để một khách hàng lựa chọn một sản phẩm, mua và sử dụng nó thì người bán cần đi qua 5 bước: BIẾT - HIỂU - TIN - YÊU - DÙNG, thì trong doanh nghiệp, ở chốn công sở nhiều thị phi này, một người đi làm mà muốn đạt được thành công cũng phải trải qua những bước như vậy.
Bài viết này được lên ý tưởng khi mình đang nghiên cứu về Marketing và biết đến thuật ngữ này. Và mình ngẫm nghĩ ra rằng "Hóa ra mình đã có được thành công bằng cách đó". Thế rồi mình quyết định note lại một công thức mà mình và nhiều anh chị mà mình biết đã áp dụng để xây dựng nên thành công của họ.
Bây giờ, bạn hãy đọc kỹ từng phần và thử liên tưởng đến mình xem thế nào nha!
1. Làm cho mọi người BIẾT đến mình
Đầu tiên bạn phải cho mọi người, có thể là sếp, đồng nghiệp, nhân viên, khách hàng, nhà cùng cấp, đối tác... BIẾT bạn là ai, từ đâu đến, đến làm gì, làm thế nào, có mang lại được giá trị gì cho họ không? Có cùng giúp họ tạo ra những điều tốt hơn không? Có làm phiền họ không? Hay có mang lại rủi ro gì không?
Ở giai đoạn này bạn phải thật tinh tế và khiêm nhường, nhưng cũng cần phải biết cách để show ra, vừa đủ để cho người ta BIẾT và không làm cho người ta GHÉT mình.
Có 2 thứ mà bạn tuyệt đối cần tránh:
- Cái gì cũng à ừ dạ vâng, biết rồi, nhưng bản chất không hiểu mẹ gì. Cuối cùng làm không đến đâu cả.
- Đánh giá/hạ thấp vai trò của người khác, dìm họ xuống để nâng mình lên.
Lưu ý: Tự tin chỉ dành cho 2 loại người: ngu dốt và ngạo mạn. Tự tin trong tình huống này: cố gắng bày tỏ quan điểm trái ngược lại với đám đông, hoặc đánh giá thấp/hạ thấp danh tiếng/vai trò của người khác trong giai đoạn BIẾT này.
2. Làm cho mọi người HIỂU về mình
Sau khi mọi người BIẾT đến bạn rồi, giai đoạn này bạn sẽ phải cần giúp cho họ HIỂU về bạn. Cụ thể là gì?
Cụ thể là bạn cần phải thế hiện năng lực làm việc, sự hợp tác... để cho họ thấy rằng: "À ông này có năng lực, có sự hợp tác, có thể mang lại những điều tốt cho mình, không có rủi ro, cũng không có phiền phức".
Lưu ý rằng: Trong mọi giai đoạn, hãy giữ cho mình sự khiêm nhường, đừng cố thể hiện mình hoàn hảo. Bạn có năng lực nhưng chắc chắn cũng có những hạn chế. Đừng cố dấu nó, không ai hoàn hảo cả. Việc bạn che dấu những điểm hạn chế có thể sẽ là nguồn cơn để tạo ra sự đổ vỡ sau này, khi người khác thấy rằng bạn không giống những gì họ nghĩ.
Nếu bạn có thể thể hiện được những hạn chế của mình một cách tinh tế và kết nối với mọi người thông qua những điểm chung + điểm mạnh của bạn. Đó là một cách ghi điểm rất hay, an toàn và bền vững.
3. Làm cho mọi người TIN bạn
Người ta sẽ chỉ tin bạn nếu nhìn thấy được sự nhất quán và chính trực trong con người bạn. Đây là giai đoạn mà bạn có thể cho họ thấy bạn có cá tính, có quan điểm, mọi thứ nhất quán từ đầu đến cuối(dĩ nhiên là phải có lý lẽ sắc đáng + phải ĐÚNG). Bạn có thể trực tiếp đọc góp ý kiến, đưa ra quan điểm theo hướng tích cực, các bên đều có lợi (nhưng nếu có thể ngả hơn về phía họ thì càng tốt - cho người ta chút lợi thì mình cũng đỡ bị sân si).
Hãy thể hiện thật tốt cho những gì bạn đang làm.
- Đã hứa thì phải làm, và phải làm cho đúng lời hứa. Cái này chẳng phải giải thích gì nhiều, ai cũng hiểu giá trị của lời hứa.
- Góp ý thì phải chân tình, mang tính xây dựng, không làm mất mặt người khác, phải logic + cụ thể và cho họ thấy được những lợi ích thực tế họ sẽ có được khi làm điều đó. Có một thực tế là nếu bạn góp ý chung chung thì không ai tin bạn đang góp ý xây dựng đâu.
- Mỗi khi có xung đột về lợi ích, hãy chịu thiệt một chút. Bạn sẽ được nhiều hơn những thứ bạn mất, đầu óc an yên, tinh thần thoải mái, chưa kể nó có thể đem đến cho bạn những cơ hội. Nhưng dĩ nhiên thiệt như thế nào thì chấp nhận được thì do bạn quyết định. Thiệt quá đến mức có hại thì thôi!
- Học hỏi từ mọi người, phải công nhận điều này, phải công bố cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi, cho họ biết rằng bạn trân trọng những điều đó. Ai chẳng có những thứ tốt đẹp để chúng ta học.
- Không nói xấu ai đó sau lưng, bởi một điều chắc chắn rằng khi nói xấu người khác, bạn cũng đang bị người khác phán xét. Nếu chẳng may câu chuyện nói xấu của bạn đến tai cấp trên thì đúng là dở.
- ....
Tóm lại, tất cả mọi chuyện cần giải quyết linh hoạt, có tình, có lý, nhẹ nhàng và các bên đều có lợi.
4. Làm cho mọi người YÊU mình
Tin và Yêu là hai khái niệm khác nhau. Nhưng ở đây mình không nói đến tình yêu. Yêu là cảm giác được mọi người tin cậy và quý mến. Từ TIN rất dễ chuyển thành yêu. Khi bạn bước đến giai đoạn này rồi thì nếu mà chẳng may bạn có làm sai một tý thì mọi người cũng sẽ dễ dàng bỏ qua; nếu bạn làm tốt, đem lại giá trị cho mọi người, giúp đỡ và truyền động lực cho mọi người nữa thì họ sẽ càng yêu bạn.
Không có công thức chung để biến từ TIN thành YÊU. Khi bạn biết cách để mọi người TIN bạn thì chắc chắn bạn cũng sẽ có cách để biến nó thành YÊU thôi.
5. "DÙNG" - Đây là lúc bạn được trao quyền
Đây là giai đoạn cuối trong chuỗi: Biết - Hiểu - Tin - Yêu - """"DÙNG""". Đây là lúc mà mọi người xung quanh sẽ nhìn nhận lại bạn khi họ muốn bình bầu, bổ nhiệm, trao quyền cho một chức vụ, một vai trò nào đó.
Và dĩ nhiên, khi bạn hoàn thành tốt mọi việc, biết nghĩ đến người khác, luôn tạo ra giá trị cho mọi người, biết cách hỗ trợ, thậm chí là truyền cảm hứng, dẫn dắt, tạo động lực cho mọi người xung quanh, thì mọi người sẽ chuyển từ YÊU sẽ chuyển sang DÙNG bạn. Bạn sẽ được trao quyền, được ủy quyền, được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và năng vốn có. Đây là mối quan hệ win - win giữa các bên và bạn cũng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng những gì bạn cống hiến.
Có một lưu ý nhỏ cho bạn!
05 bước hay giai đoạn này trên thực tế sẽ không rõ ràng và luôn xảy ra song song, nên đừng hiểu lầm mọi thứ nhất thiết phải đi theo trình tự rõ ràng. Bởi đây là cuộc sống, mọi thứ đều có thể xảy ra mà không đi theo sách vở.
Kết luận
"Biết - Hiểu - Tin - Yêu - Dùng" là một công thức Marketing kinh điển, người không biết đến nó thì chắc chắn thấy lạ lẫm và khó hiểu. Nhưng thử suy nghĩ xem, đây là một quy trình Marketing mà rất nhiều người bán hàng áp dụng để có được thành công rồi và nếu bạn coi năng lực + con người bạn là một sản phẩm thì liệu bạn có áp dụng được nó hay không? Câu trả lời chắc chắn là CÓ.
Những người quan trọng, những key person ở các tổ chức, doanh nghiệp, họ đã và đang xây dựng và có được thành công theo công thức này. Mình cũng vậy, từng trải qua những thứ như vậy. Dĩ nhiên có những lúc mình cảm thấy mình làm sai, hoặc chưa tốt nhưng mà công thức này thì luôn đúng.
Hãy đọc và tham khảo!